Bốn năm trở lại đây, ông Đặng Thành Tâm (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn - SGI) được coi như một người thành đạt, thâu tóm rất nhiều danh hiệu của các tổ chức trao tặng, nổi bật nhất là danh hiệu người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, thực tế với những diễn biến bất thường tại các dự án triển khai mà ông Đặng Thành Tâm trình diễn trên giấy tại nhiều tỉnh, thành chỉ phục vụ mục đích "bán lại cho chủ đầu tư khác nhằm hưởng lợi chênh lệch". Tính đến nay, tổng số vốn đầu tư tại các dự án mà SGI đã công bố lên đến 16 tỉ USD. Xét về tài chính đầu tư thì đây là một con số kỉ lục vì ngay cả việc thua lỗ của Vinashin tổng số nợ công bố 86 nghìn tỉ đồng, tức là chỉ hơn 4 tỉ USD.
Theo đánh giá của giới đầu tư, 16 tỉ USD là con số ảo, không có cơ sở và cũng chưa có tổ chức nào kiểm tra mà chỉ đơn thuần là công bố của ông Đặng Thành Tâm. Thực chất hầu hết các dự án mà SGI đã khởi công xây dựng từ trước đến nay đều rất ít vốn đầu tư. Hình thức chỉ là bằng các mối quan hệ, ông Tâm chạy dự án, tổ chức khởi công nhưng sau đó ít sản xuất - kinh doanh nên dự án nằm im để tìm kiếm đối tác chuyển nhượng, bán lại, hưởng chệnh lệch. Ông Đặng Thành Tâm còn sang nước bạn Lào hứa hẹn ủng hộ hàng triệu USD để xin đất, khởi công dự án nhưng sau đó lại chờ đợi để sẵn sàng sang nhượng cho các doanh nghiệp khác.
Từ năm 2008, Tập đoàn Tân Tạo (lúc đó ông Tâm chủ trì) xúc tiến 3 dự án đầu tư lớn tại tỉnh Quảng Ngãi với số vốn đăng kí lên đến 50 triệu USD và 1.485 tỉ đồng. Sau nhiều năm được cấp phép, hầu hết các dự án vẫn "án binh bất động". Ngày 11-12-2008, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Huế đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư khu du lịch - phim trường Vina thuộc Tập đoàn Tân Tạo, đầu tư xây dựng khu thương mại - dịch vụ - phim trường Vina Universal Paradise ở huyện Sơn Tịnh, diện tích 60 ha, nằm sát chân núi Long Phụng, tổng vốn đầu tư 949,6 tỉ đồng bao gồm các khu du lịch, khu thương mại, khu biệt thự cao cấp, khu biệt thự trên đồi, khu thể dục thể thao. Dự kiến thực hiện trong 4 năm (2008 - 2011). Được khởi công đầu năm 2009, nhưng bỏ hoang từ đó đến nay, khả năng sẽ không tiếp tục triển khai được theo cam kết của ông Đặng Thành Tâm.
Còn lại hai dự án khác cũng nằm im lìm. Thứ nhất là khu du lịch phim trường Vina Universal, vốn đầu tư 50 triệu USD, thực hiện trên diện tích gần 2.600 ha tại huyện Đức Phổ; thứ hai là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phổ Phong (huyện Đức Phổ) trên 157 ha, vốn đầu tư hơn 285 tỉ đồng. Lúc khu du lịch phim trường Vina Universal rục rịch khởi động, người dân ở 3 xã trong vùng dự án gồm Phổ Khánh, Phổ Thạnh và Phổ Châu rất phấn khởi, kì vọng về một tương lai tươi sáng, nhưng sau 3 năm, nhiều diện tích đất bỏ hoang làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Tháng 6-2011, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định thu hồi dự án này.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phổ Phong, chủ đầu tư không triển khai hạng mục nào, chỉ mới lập xong khảo sát đền bù. Do đó, ngày 13-4-2012 UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn phê bình lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi về việc chậm quyết định thu hồi dự án dù tỉnh đã chỉ đạo rút giấy phép.
Theo dự kiến, dự án khu thương mại dịch vụ Vina Universal Paradise Sơn Tịnh gồm khu nhà ở với 237 nhà liên kế, 183 nhà biệt thự vườn và 56 bungalow, 5 khu thương mại dịch vụ, trường học, nhà văn hóa, khu thể dục thể thao… Từ năm 2009 đến nay, dự án chưa giải quyết xong việc bồi thường và tái định cư cho người dân, mới đền bù phần diện tích ruộng, còn phần đất vườn và nhà dân thuộc địa bàn thị trấn Sơn Tịnh thì chưa được bồi thường. Dự án mới đổ nền và xây dựng đường nội bộ trong vài ha cho khu tái định cư và nhiều tháng qua cũng giậm chân tại chỗ. Nhiều hộ dân đang đối mặt với khó khăn. Hàng chục ha ruộng bị bỏ hoang, người dân muốn làm nhà ở cũng không được.
Tháng 4 năm 2012, trả lời trên Báo Người Lao Động, ông Lê Hồng Hà, Phó Trưởng ban Quản lí KCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nguyên nhân khiến dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phổ Phong chậm xây dựng được chủ đầu tư trình bày là do ưu đãi về cơ chế của tỉnh chưa cao. Nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh giá cho thuê đất và hỗ trợ không tính lãi suất; đề nghị tiền đền bù cho dân do Nhà nước chịu và đề nghị được hỗ trợ 70 tỉ đồng giống như các dự án ưu đãi vùng khó khăn... Theo ông Hà, tất cả các đề nghị này đều không hợp lí và không được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận. "Nguyên nhân chính là do năng lực tài chính của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (thuộc Tập đoàn Tân Tạo) không đáp ứng được" - ông Hà khẳng định.
Còn ở Bắc Giang?
Còn Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc cũng không ít dự án dở dang. Điển hình là năm 2004, ông Đặng Thành Tâm được UBND tỉnh Bắc Giang cấp cho 426 ha đất ở thành phố Bắc Giang, sát Quốc lộ 1A (mới). Sau hơn 8 năm, dự án mới lấp đầy khoảng 10% diện tích. Gần 400 ha đang bỏ hoang, người dân muốn canh tác cũng không được vì đã san lấp cát. Hàng rào dự án đang bị phá dỡ. Không biết tỉnh Bắc Giang có xem xét thu hồi không?
Vũ Phong - Minh Tuấn
Theo nguoi cao tuoi
|
11/15/12
Sự thật về ông Đặng Thành Tâm công bố các dự án đầu tư lên tới 16 tỉ USD: Dự án lớn, năng lực đầu tư bé nhỏ
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment