Thanh Mập, trước kia là người chuyên đào mộ và chôn cất tử tù ở trường bắn. Thanh cũng là người trực tiếp ngã giá, tổ chức di chuyển an táng cho Năm Cam, Châu Phát Lai Em, Huy Thịnh...
Những cái chết kỳ lạ
Dưới trướng Thanh Mập là hàng chục anh em thân tín trước cũng chuyên nghề khâm liệm tử tù. Theo chỉ dẫn, tôi tìm gặp được Hai Thổ, một người từng hành nghề ở trường bắn, thuộc “biên chế” của đội Thanh Mập.
“Ở đời ai gây oán mới nhận oán. Mình làm việc vì miếng cơm, cũng vì việc nghĩa thì lo gì bị báo oán”- Hai Thổ, phu huyệt trường bắn.
Ông Hai Thổ kể: Ngay khi cuộc thi hành án tử hình trong đường dây Năm Cam và đồng bọn kết thúc. Chiều hôm ấy, chính Thanh và Lê Hoàng Phước (tự Tỷ) đã ngã giá đưa xác Lai Em và Hữu Thịnh đi. 
Việc đào trộm được tiến hành lặng lẽ và nhanh chóng, ngay trong đêm đã hoàn thành. Vài hôm sau, đến lượt thân nhân Năm Cam đến thăm mộ, lại được cả nhóm gợi ý, ra giá và thống nhất.
"Xác của “ông trùm” cũng được đưa khỏi trường bắn với phương cách tương tự dù có vất vả hơn vì đã nặng mùi", Hai Thổ nói.
Hai Thổ gần 60 tuổi, hốc hác và tiều tụy. Ngày trước, ông làm nghề chôn cất tử tù phần vì miếng cơm manh áo, phần vì nghĩa hiệp. Ông cho biết, pháp trường thường có hai đội, một đội tẩm liệm và một chuyên đào huyệt chôn xác tử tù. Người tẩm liệm thì được trả 200-300 ngàn đồng, chôn cất thì ít hơn, nhiều nhất chỉ được trăm ngàn. 
Riêng vụ Năm Cam và đồng phạm, tiền công không khá khẩm hơn mấy. Được bao nhiêu, các “đại ca” đã chia chác phần nhiều.
"Thanh Mập cũng đi rồi. Nó chết ngay trước mặt trường bắn”- ông Hai Thổ giọng buồn bã kể. Vài tháng sau khi trường bắn đóng cửa. Giữa trưa, Thanh chạy xe ngang trường bắn bất ngờ ngã dúi xuống mặt đường rồi chết trên đường đưa đi cấp cứu. 
“Không riêng gì Thanh Mập, nhiều cái chết lạ kỳ khác xảy ra ở trường bắn này”- ông Hai Thổ nói thêm.
Ang thờ người chết vì tai nạn trước trường bắn 
Năm trước, một “đồng sự” của ông khi xưa, chạy xe máy đến trường bắn rồi treo cổ chết chẳng hiểu vì sao. Trước đây, một phu khâm liệm cũng từng lấy cây cột trói tử tử tù để thi hành án về làm giàn bầu. Năm sau ông này treo cổ chết luôn trên đó. 
Gần đây, lại xảy ra nhiều cái chết kỳ lạ khác ở đoạn đường chạy ngang trường bắn. Nhiều người đang chạy, bỗng dưng té xe hoặc đâm đầu vào cây chết bất đắc kỳ tử. 
Riêng đoạn đường ngắn trước mặt trường bắn này đã có mười mấy người chết. Kỳ lạ hơn, nhiều người trong số họ từng khâm liệm hoặc đào mồ chôn tử tù.
“Bữa trước, tui đang chạy tự nhiên thấy tối sầm lại, người cứng đơ. Sém chút nữa thì đâm xe vào gốc cây giờ mất mạng rồi”- ông kể tiếp. Nhiều câu chuyện ly kỳ khiến người ta hay đồn đoán về việc báo oán. Riêng ông không tin.
“Mình chỉ vì miếng cơm manh áo, đâu có gây thù chuốc oán với ai. Chuyện cũng đã qua lâu rồi”- ông phân trần. Trước khi trường bắn giải thể, ông Hai Thổ đã rời trường bắn, hành nghề phụ hồ kiếm sống.
Tàn tích ám ảnh
Trường bắn Long Bình bây giờ đã được san phẳng, nhường chỗ cho dự án dân cư-thương mại sầm uất trong tương lai gần. Nhưng những chuyện rùng rợn chung quanh nó có lẽ còn lâu mới mai một. Đi dọc con đường trước mặt trường bắn, một đoạn lại thấy một ang thờ người chết tai nạn. 
Không biết có linh thật không mà có dạo nạn cầu cơ xin số đề ở pháp trường này thành một “cơn sốt”. Chính quyền nhiều cấp phải nhiều lần ra quân càn quét mới dẹp yên được.
“Chuyện đâu không biết, riêng thằng cháu họ tôi trước làm nghề tẩm liệm và chôn cất tử tù bây giờ bị điên rồi, phần do rượu, phần do ám ảnh”- ông Tư Bé, một người sống gần trường bắn nói.
“Nhiều người nói rằng những người đó bị âm hồn tử tù về bắt. Tôi không biết có nên tin hay không nhưng thấy cũng lạ”.
Sau vụ trộm xác Năm Cam và đàn em kinh thiên động địa, người ta mới vỡ lẽ xác của một loạt các tử tù “đại gia” trong các vụ án kinh tế như Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh và Trần Quang Vinh (Tamexco) hay Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng (Epco) cũng đã “bốc hơi” khỏi pháp trường từ trước đó.
“Nghề” trộm xác pháp trường tất nhiên đã có rất lâu từ trước. Và với những “tên tuổi” của những vụ trọng án kinh tế. Số tiền bỏ ra để trộm xác chắc chắn là không hề nhỏ.
Pháp trường lúc ấy còn lại mộ của Nguyễn Hữu Thành, tức Phước “tám ngón”, đại ca giang hồ khét tiếng. Chính ngôi mộ của Phước cũng nhiều lần bị đào bới. Nhưng không phải vì “làm dịch vụ” mà do các cuộc đụng độ của các tay anh chị muốn “giành” đại ca về để lấy tiếng. 
Tuy nhiên, sau những cuộc tranh hùng nảy lửa, xác đại ca Phước được đào lên rồi chôn lại do quá nặng mùi.
Mộ đại ca Phước "tám ngón" lúc pháp trường chưa giải tỏa 
Ông Tư Bé kể tiếp: Thời trường bắn chưa giải tỏa, mộ Phước đại ca nằm ở ngay “mặt tiền” trường bắn, dưới một cây cao xòe bóng mát. Quanh mộ, lúc nào cũng có nhiều chân nhang, cả vỏ lon bia còn uống dở vì được năng thăm viếng nhất bởi giang hồ khắp chốn. 
Không chỉ có vậy, nó còn nổi tiếng linh nên một thời, dân cờ bạc, số đề ào ào đến cầu may. Cứ giữa trưa hoặc ban đêm là lại có nhiều con bạc cùng thầy bà đến cầu cơ xin số. Từ mộ đại ca Phước lan sang các mộ khác. Nhiều kẻ trúng lớn quay lại cúng heo quay, xây cho các tử tù mộ bằng bê tông để trả lễ. 
Không biết có linh thật không mà có dạo nạn cầu cơ xin số đề ở pháp trường này thành một “cơn sốt”. Chính quyền nhiều cấp phải nhiều lần ra quân càn quét mới dẹp yên được.
Trong một lần càn quét như thế, có người đã cố tình bắn sứt một mảng bia mộ của Phước “tám ngón” để trấn tĩnh đám khát bạc mê muội. Tuy nhiên, không lâu sau, nó lại được thay bằng một bia đá hoa cương khác bóng bẩy hơn. 
“Bây giờ trường bắn đã không còn. Mộ các tử tù được chuyển đi cả rồi. Dân tình cũng không còn ám ảnh vì những lần thi hành án tử hình nữa”- ông Tư Bé nói. 
Dù vậy, ông Tư Bé khẳng định, những chuyện ly kỳ, ma mị liên quan đến trường bắn này, đặc biệt là các sự kiện liên quan đến ông trùm Năm Cam và đệ tử vẫn còn được truyền miệng, thành nỗi ám ảnh chưa biết bao giờ dứt.
Trường bắn Long Bình đang được hối hả san lấp, nhường chỗ cho một khu dân cư-thương mại sắp thành hình 
Nguồn:http://motthegioi.vn/tieu-diem/so-phan-ly-ky-cua-nhung-nguoi-trom-xac-nam-cam-60909.html