Mười ba tuổi, cậu học trò quê mùa Nguyễn Bá Thanh dám một mình vào Sài Gòn. Nhưng anh hiểu đó là quyết định một mất một còn.
Ngày ấy xã Hòa Tiến rộng lớn lắm, nó gồm cả hai xã Hòa Thái và Hòa Lợi. Đây là vùng tranh chấp quyết liệt giữa lực lượng giải phóng và chính quyền Sài Gòn.
Buổi thi một giám thị, một thí sinh
Chiến sự xảy ra liên miên làm các trường học lúc đóng lúc mở. Đến tuổi đi học mà Bá Thanh chưa biết học ở đâu. Đầu tiên anh học ở Hòa Thái, nhưng chỉ được mấy tháng, súng nổ ngay ở đầu làng, lớp học phải nghỉ. Bá Thanh đang nghĩ hay là ở nhà làm nông với mẹ rồi vào du kích. Một bữa mẹ gọi anh lại.
- Mẹ hỏi con thằng có học có sướng hơn thằng ít học không?
Bá Thanh chưa kịp trả lời, bà nói tiếp:
- Con có thấy đám lính đánh bạc trong nhà ta không. Chú sĩ quan đánh bạc có lính hầu pha cà phê, tối mắc màn cho nằm, có người xoa bóp đám lưng vì chú ấy có đi học. Có học mới chỉ huy được…
Vài ngày sau bà thu xếp cho Bá Thanh xuống Hòa Châu học tiểu học. Trường đã khai giảng một tháng, thầy hiệu trưởng không đồng ý nhận thêm học trò. Bà mẹ nói gì với ông trong phòng, một chập lâu ông đồng ý cho nhập trường nhưng phải kiểm tra kiến thức.
Ông hiệu trưởng là một người nhân hậu và nguyên tắc. Trong thời buổi đấu tranh sôi động ông không theo bên nào. Lập luận của ông là Cộng sản hay Quốc gia cũng cần có thầy giáo. Bá Thanh vào phòng thi.
Trong phòng chỉ có một thầy một trò. Ông thầy ra đề tên là Toản nhà ở Cẩm Lệ. Ông ra hai bài toán đố.
Người mẹ không phải thi đứng ngoài mà toát mồ hôi. Bà đang sốt ruột nếu Bá Thanh không làm được bài thi lại phải nghỉ học. Anh vừa làm bài vừa nhìn mẹ bồn chồn đứng lên ngồi xuống ngoài hiên mà thương, quyết làm hết bài cho mẹ vui. Thầy Toản chấm điểm ngay khi nộp bài. Anh được điểm 7, thầy hiệu trưởng cho nhập học.
Bà mẹ mừng hết lớn ôm chặt lấy con, dắt con ra quán bún. Bá Thanh được mẹ chiêu đãi hai tô bún.
Bá Thanh nhớ lần đầu anh được bầu làm đại biểu Quốc hội khi làm Giám đốc Sở Nông nghiệp, khi kiểm phiếu xong anh gặp một ông thư ký trông quen quen. Anh mời tổ bầu cử về nhà làm bữa cơm thân mật.
- Xin lỗi. Ngày trước anh có làm giáo viên không? Anh hỏi người thư ký.
- Đời tôi chỉ có làm giáo viên thôi.
- Có khi nào trong cuộc đời làm giáo viên anh làm giám thị một buổi thi mà chỉ có một thí sinh?
Người thư ký nhăn trán suy nghĩ, phải mấy phút sau ông mới nhớ ra:
- Có. Có một lần có một trò vào học trễ một tháng, thầy hiệu trưởng giao cho tôi kiểm tra trò này.
Bá Thanh nắm lấy tay thầy.
- Chính em là trò ấy.
Hai thầy trò hàn huyên với nhau cho hết buổi chiều. Bá Thanh hiểu ra thầy Toản đã tham gia hoạt động hợp pháp trong những năm làm giáo viên ở trường Hòa Châu.
Ở vùng đất Hòa Vang này, những ai từng tiếp xúc với cách mạng từ thời chín năm, không trước thì sau, không nhiều thì ít cũng tìm cách đóng góp phần của mình cho cách mạng với mong muốn cháy bỏng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thầy Toản là người như vậy.
Lặng lẽ đến viếng ông Bá Thanh chiều 14-2 - Ảnh: T.Trung |
Trốn mật vụ, một mình vào Sài Gòn
Từ ngày về học ở Trường tiểu học Hòa Châu, Bá Thanh vẫn tham gia hoạt động phong trào thiếu niên giải phóng như ở trên Hòa Thái. Hoạt động ở đây chỉ là những việc đơn giản như: canh gác cho chú cán bộ họp, rải truyền đơn.
Cũng có khi được các anh, các chú, phân công đi đặt mìn, đặt lựu đạn ở những nơi người lớn khó tiếp cận. Vài lần được giao việc trà trộn vào đám lính Sài Gòn ăn cắp vũ khí…
Khi quân Mỹ đổ quân vào bãi biển Xuân Thiều, Hòa Vang là chiến trường đánh Mỹ trọng điểm của tỉnh: “Muốn đánh Mỹ xuống Hòa Vang, muốn thênh thang về Đại Lộc”. Bá Thanh cũng như bao thiếu niên con em những người tham gia cách mạng không thể đứng ngoài các sự kiện này được.
Rồi anh được cử đi dự đại hội thi đua dũng sĩ thiếu niên tỉnh. Đại hội họp vào ban đêm, các đại biểu chỉ nhìn thấy mặt nhau chứ không biết tên thật. Tên gọi trong giao tiếp chỉ là bí danh. “Cách mạng miền Nam, ai làm nấy biết”.
Ngồi nghe báo cáo điển hình không được ghi chép. Người báo cáo cũng chỉ nói miệng, không có văn bản giấy tờ. Đại hội xong các đoàn bí mật ai về địa phương đó. Trên đường về một đại biểu tên là Khá Chuột bị bắt.
Không chịu đựng được tra tấn, Khá Chuột khai được hai tên là Trần Xê và Đa cùng lớp với Bá Thanh. Vì không đi học nên Khá Chuột không nhớ được tên người thứ ba, chỉ khai "còn một thằng nữa quê trên Hòa Thái".
Khoảng ba giờ chiều, đang giờ lên lớp, ba tên mật vụ đi trên ba chiếc xe máy ập vào bắt Đa và Xê dẫn lên văn phòng. Bá Thanh biết hai bạn mình là những thiếu niên gan lì, không dễ gì khai báo, nhưng biết đâu, nếu một trong hai không chịu được đòn.
Bá Thanh ngồi trong phòng học tìm kế thoát thân.
Trường tiểu học Hòa Châu cách quốc lộ 1 khoảng hai trăm mét về phía tây. Cổng trường xoay ra đường, hướng đông. Sau lưng trường là một cánh đồng nhỏ rồi tiếp đến là một khu gò mả nơi bãi thả trâu. Một đám trẻ khoảng mười đứa cả trai lẫn gái vừa chăn trâu vừa vui đùa ở đó.
Bá Thanh nghĩ mình không thể ngồi đây chờ chúng đến bắt mà phải tìm cách nhập vào đám trẻ chăn trâu kia. Anh đưa mắt nhìn cửa sổ. Ở trường này cửa sổ không có song sắt. Anh nghĩ ra ngay lối thoát.
- Thưa thầy em đau bụng xin phép ra ngoài.
Thầy giáo nhìn Bá Thanh, không có nghi ngờ gì, gật đầu đồng ý.
Bá Thanh nhanh nhẹn đút sách vở vào bàn rồi đi lên phía bục giảng. Anh không đi theo cửa chính mà bất ngờ nhảy qua cửa sổ, trước sự sững sờ của thầy giáo và cả lớp.
Anh nhắm mắt chạy qua cánh đồng. Không thấy ai đuổi theo, chỉ vài phút sau anh nhập bọn với đám trẻ chăn trâu. Nhưng anh không dừng lại ở đó, mà chạy thẳng vào làng Phong Lệ, dưới đường xe lửa.
Ngồi chờ coi động tĩnh một lúc, anh vượt qua đường sắt về nhà. Trong nhà đã sẵn có hầm bí mật, anh sẽ chui xuống đó nếu bọn chúng về đây truy tìm. Nhưng hết buổi chiều chẳng có chuyện gì xảy ra.
Sau này Bá Thanh mới biết bốn mươi phút sau khi tra khảo hai bạn Đa, Xê, bọn mật vụ quay lại lớp. Chúng thấy trên bảng sỉ số lớp học là 54 vắng 1. Chúng đếm học trò trong lớp chỉ có 50, còn hai bạn bị bắt vẫn thiếu 1. Chúng tra khảo thầy giáo còn một trò đi đâu.
Thầy là người có thiện cảm với Bá Thanh ngay từ hôm nhập học.Thấy trò nhanh nhẹn, tháo vát thầy hỏi: Có thực muốn đi học không?
- Thưa thầy không muốn học thì xuống đây làm chi. Muốn lắm chứ.
- Vậy có quyết học giỏi không?
- Đi học mà không học giỏi thì về quê làm ruộng chứ.
Bá Thanh nghĩ chắc thầy biết mình là con nhà cách mạng. Buổi chiều ấy thầy đã giữ bọn mật vụ lại, trả lời xà quần, kéo dài câu chuyện cốt để Bá Thanh có thì giờ đi thật xa.
Buổi tối Bá Thanh nói với mẹ.
- Lộ rồi, bây giờ con phải đi hướng nào đây?
- Để tìm người đưa con lên Hòa Khương rồi thì về chỗ ba Tùng. Bà mẹ nói:
- Không được đâu mẹ ơi. Chừ đi hướng nào cũng bị bắt.
- Vậy con tính sao?
- Đi Sài Gòn.
Bà mẹ ngạc nhiên trước ý định bất ngờ của Bá Thanh.
- Con còn nhỏ vậy đi nổi không?
- Con đi được mà mẹ phải mua vé máy bay cho con đi.
Người mẹ suy nghĩ một lúc rồi nhận ra sự quyết đoán của con trai là chính xác. Bà đưa anh xuống Đà Nẵng ở nhà chú Lệ ở kiệt Tiến Thành sau này là đường Phan Thanh rồi ra sân bay đi Sài Gòn.
Sau này, Bá Thanh cũng còn ngạc nhiên về quyết định táo bạo của mình thời đó. Một đứa bé mười ba tuổi quê mùa dám một mình vào Sài Gòn. Nhưng anh hiểu đó là quyết định một mất một còn, nếu mình chần chừ có khi phải trả giá bằng sinh mạng.
Nguyễn Bá Thanh sống ở Sài Gòn hai năm, ở với chú rồi với cậu, học xong Đệ Thất anh quay ra quê bắt liên lạc với cha rồi ra Bắc năm Mậu Thân 1968
Nguồn: tuoitre.vn
No comments:
Post a Comment