Mặc sự công nhận chính thức về cội nguồn người Việt của nhà nước và cả giới khoa học chính thống, cuộc truy tìm nguồn gốc người Việt của các nhà nghiên cứu nghiệp dư vẫn lặng lẽ và đang ngày càng tỏ ra quyết liệt với những quan điểm mới, nhiều khi cực đoan nhưng không phải không có lý. Tất cả cho thấy quả thật rất có vấn đề trong định nghĩa thế nào là nguồn gốc người Việt
Truy tìm nguồn gốc người Việt ngỡ như đã xong bỗng gần đây được xới lên, nhất là trên mạng, nơi có điều kiện bày tỏ quan điểm một cách khá bình đẳng. Theo dõi những cuộc trao đổi này, chúng tôi chợt nhận ra vẫn còn những câu hỏi vô cùng lớn về nguồn gốc người Việt chưa được giải đáp.
Tóm tắt vấn đề như sau (xin chỉ nêu tên tác giả mà không dẫn nguồn, cho gọn):
- Theo quan điểm chính thống của giới sử học hiện nay thì người Việt là người bản địa, chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn và phát triển xuyên suốt từ đó đến nay trên địa bàn nước Việt Nam, đã nhận nhiều tác động từ bên ngoài, đã có nhiều biến đổi, đã tập hợp thêm nhiều nhóm dân tộc khác vào cộng đồng nói tiếng Việt và đã trở thành một khối thống nhất không thể tách rời, với một lịch sử đã được nghiên cứu hầu như đã đầy đủ và rõ nét
Tuy vậy, sự mạnh mẽ và quan phương của quan điểm này vẫn không ngăn nhiều người nêu ra những nghi hoặc về cội nguồn nếu không thể kết nối được nó với dân tộc anh em nào khác nữa, xa hơn về trước. Tại sao các dân tộc Thái, Mường, Tày, Nùng, H’Mông, Mèo, Dao... đều tìm thấy người anh em của họ ở ngoài biên giới của bất kể nước nào trong khu vực, cớ sao người Việt lại không tìm thấy anh em nào của mình ở trên các nước khác? Liệu đó có phải là hệ quả của một sự hình thành cộng đồng Việt rất muộn, tức Việt mới, do tổng hợp từ nhiều nguồn dân tộc khác nhau. Và điều này xảy ra trong giai đoạn ngàn năm Bắc thuộc hoặc thậm chí muộn hơn nữa, thế kỷ XIII, XIV? (Các nhóm người Việt, gọi là người Kinh, ở Quảng Đông và Quảng Tây - Trung Quốc nay đều là những di dân Việt vào các thế kỷ gần đây).
- Từ giữa thế kỷ XX về trước, dựa trên các tư liệu huyền sử như Lạc Long Quân - Âu Cơ, Triệu Đà, An Dương Vương và nhất là 18 đời vua Hùng, nhiều tác giả cho rằng người Việt có nguồn gốc từ phương Bắc, gốc từ các tộc người Hán di cư về châu thổ sông Hồng và tạo nên tộc người Việt như ta thấy trong sử liệu chính thức. Đại diện cho quan điểm này là nhà nghiên cứu Nguyễn Phương, học giả Đào Duy Anh...
- Gần với quan niệm này thì cho rằng người Việt nay là cùng trong nhóm cộng đồng Bách Việt vốn phát triển khá rực rỡ ở phía Nam sông Hoàng Hà (Trung Quốc). Người Hán khi tiến vào Hoa Hạ đã tiếp thu rồi nâng cao rất nhiều từ nền văn minh này. Trong thời nhà Đường, nhiều nhóm người Việt (thuộc Bách Việt) đã hoàn toàn nhập vào với văn hóa Hán và trở thành một phần của nước Trung Hoa 1,4 tỉ dân hiện nay. Riêng nhóm Việt ở Phú Thọ - Mê Linh tuy cũng bị 1.000 năm cai trị của các triều đại Trung Hoa nhưng vì một lý do nào đó vẫn giữ được ý thức dân tộc và đến thời Ngô Quyền thì giành được độc lập, giữ được nền độc lập đó cho đến tận nay. Và có thể nói cộng đồng Việt thuộc An Nam là đại diện xuất sắc và điển hình nhất của cộng đồng Bách Việt này. Đại diện cho quan điểm này là Lê Mạnh Thát, Hà Văn Thùy, Nguyễn Đức Tố Lưu...
- Tác giả Phan Duy Kha và các bạn hữu nêu ra cội nguồn người Việt nào đó ở về phía Nam, vùng núi Khu 4 cũ, từ Vinh (Nghệ An) đến Hà Tĩnh, đã tiến ra vùng Việt Trì (Phú Thọ) để tạo nên văn hóa Đông Sơn rồi sau đó trở lại nâng cao và sáp nhập vùng Khu 4 vào Việt (hậu).
- Bình Nguyên Lộc một mình vạch ra một hướng tiếp cận khác. Ông đưa ra nhiều bằng chứng và quan trọng nhất là với vốn từ vựng đang có thì người Việt phải có nguồn gốc từ Mã Lai Đa Đảo, tức cộng đồng các tộc người hiện đang sống ở các nước như Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và dĩ nhiên: Việt Nam. Chỉ vì tiếp thu một phần ngôn ngữ văn hóa của người Hán trong ngàn năm Bắc thuộc mà người Việt đã trở thành xa cách với cội nguồn Mã Lai của mình. Quan điểm của Bình Nguyên Lộc dù đã được giới nghiên cứu chỉ ra nhiều thiếu sót nhưng vẫn chưa có câu trả lời đầy đủ về lý do vốn từ vựng to lớn có nguồn gốc Mã Lai trong vốn từ của người Việt (việc cùng nguồn gốc ngữ hệ Nam Á không trả lời được hết các ví dụ Bình Nguyên Lộc nêu ra).
- Gần đây, GS Liam Kelley (Đại học Hawaii, Mỹ) đã xới lại vấn đề nghi ngờ cội nguồn phương Bắc và cả cội nguồn bản địa của người Việt, cũng không thiên về cội nguồn Mã Lai như Bình Nguyên Lộc. Người Việt là ai thì Liam Kelley chưa nêu câu trả lời nhưng ông đang chứng minh ngày càng rõ nét rằng những thứ mà ta tự hào và tin rằng nó vốn của người Việt từ lâu nay thì thật ra đều là của người Thái. Vài ví dụ: Người Thái ở phía Nam Trung Quốc vẫn đang dùng trống đồng và cái khèn nhạc cụ - thứ có trên trống đồng, trong khi người Việt thì hoàn toàn không còn biết đến 2 loại nhạc cụ này từ rất lâu rồi. Người Việt là người Thái quên gốc gác hay thực sự là một dân cư khác đến chiếm lĩnh vùng đất này? Hay sự hình thành do tổng hòa văn hóa và ngôn ngữ của các cư dân cùng chung sống ở châu thổ sông Hồng?
Vậy thì người Việt từ đâu mà có? Câu trả lời chưa rõ song vấn đề đang được đặt lại một cách lý thú và khoa học hơn. Nếu sự hình dung nguồn gốc của người Việt thời Pháp thuộc là cuộc truy tìm nguồn gốc người Việt lần thứ nhất và vẫn được kế thừa, phát triển đến hiện nay thì cuộc truy tìm lần thứ hai của những nhà nghiên cứu sử học nghiệp dư như Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Phương, Công Đình Thanh, Hà Văn Thùy đã cho thấy vấn đề cần phải được nhìn rộng hơn ở ngoài biên giới nước Việt nay; thậm chí phương pháp nhân chủng, đo sọ, di truyền cũng đã được sử dụng để tìm nguồn gốc người Việt. Và đến nay, cuộc đặt lại vấn đề nguồn gốc người Việt lần thứ ba đã hình như được bắt đầu, thuận lợi của lần này là sự công bố và các ý kiến phản biện đều được thể hiện rất nhanh chóng, như tất cả đều đang ở trong một nhà và mọi ý kiến đều có thể trao đổi và được tranh luận ngay khi được phát biểu. Đặc điểm của lần này chính là sự tham gia của các quan điểm nhân học hiện đại, nhắm đến mục tiêu sự dịch chuyển của các tộc người chứ không hề còn là cuộc tìm kiếm một cội gốc đơn tuyến nào. Việc tìm kiếm một cội gốc đơn tuyến thuần nhất, xuyên suốt từ cổ đại đến nay như Tạ Đức trong cuốn Nguồn gốc người Việt - người Mường vừa xuất bản năm 2014 ngay lập tức đã tỏ ra không thuyết phục mặc dù công trình khá dày dặn.
Đây là cuộc thảo luận khoa học rõ ràng là lý thú và khá hấp dẫn. Nhiều tranh luận gay gắt đã được thể hiện. Tác giả bài viết này cùng bạn hữu cũng đang ấp ủ những hướng tìm kiếm mới, hy vọng cuộc tìm kiếm này sẽ mở vấn đề ra đa diện, nhiều chiều với những phương pháp tiếp cận mới, thỏa mãn được mọi băn khoăn về cội nguồn.
Nguồn: nld.com.vn
No comments:
Post a Comment